Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, chiều 25/6, Quốc hội nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

* Gói giải pháp thanh khoản 12.000 tỷ đồng giúp đảm bảo vốn chủ sở hữu của VNA

Khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135/2020/QH14 quyết nghị, nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong đó, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Máy bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Cho phép VNA chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán và Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại VNA thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, VNA đã tổ chức triển khai hàng loạt các giải pháp cấp bách và xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để VNA sớm phục hồi và phát triển bền vững, xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động.

Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành hỗ trợ VNA triển khai gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng đúng theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội. Từ ngày 23/7/2021 đến ngày 24/12/2021, trên cơ sở các hợp đồng tín dụng ký với các tổ chức tín dụng, VNA đã hoàn thành sử dụng gói vay vốn với tổng giá trị đạt 3.999,96 tỷ đồng. Số tiền giải ngân được các tổ chức tín dụng giải ngân dựa trên cơ sở hóa đơn, chứng từ và thanh toán trực tiếp vào tài khoản của nhà cung cấp căn cứ lịch thanh toán theo thỏa thuận với các Nhà cung cấp. Các tổ chức tín dụng cho VNA vay đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn tương ứng với giá trị giải ngân.

Tính đến 31/12/2023, VNA đã thanh toán đầy đủ 220 tỷ đồng lãi vay cho các tổ chức tín dụng. Theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và các hợp đồng tín dụng, từ tháng 7 đến tháng 12/2024, VNA có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số nợ gốc vay.

Đến tháng 9/2021, VNA đã tổ chức và hoàn tất phương án tăng vốn điều lệ với tỷ lệ thành công là 99,51%, tương ứng tổng số tiền thu từ bán cổ phần là 7.961 tỷ đồng (trong đó SCIC thay mặt Chính phủ thực hiện quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước số tiền 6.894,88 tỷ đồng). Đến hết ngày 28/10/2022, VNA đã hoàn thành sử dụng toàn bộ số tiền này theo đúng quy định.

Với việc kết hợp triển khai tổng thể các giải pháp, nhất là gói giải pháp thanh khoản 12.000 tỷ đồng đã có tác động tích cực, mang lại hiệu quả, cụ thể: Đảm bảo vốn chủ sở hữu của VNA trên Báo cáo tài chính năm 2021 không bị âm, qua đó cổ phiếu HVN không bị hủy niêm yết bắt buộc tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và vẫn duy trì khả năng thanh khoản, củng cố niềm tin, uy tín, hình ảnh của VNA đối với cổ đông, công chúng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng để duy trì hạn mức vay vốn hàng năm.

VNA thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán và nguy cơ phá sản ngay trong năm 2021, đảm bảo việc làm cho hàng nghìn người lao động; tạo niềm tin cho các chủ nợ, đặc biệt là các chủ tàu thuê, các nhà cung cấp bảo dưỡng sửa chữa tàu bay để VNA đàm phán giãn hoãn thanh toán, giảm giá tiền thuê. Đồng thời, duy trì hoạt động liên tục cho VNA với vai trò là Hãng Hàng không quốc gia đóng góp tích cực trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch, không để xảy ra các hệ lụy nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc phòng đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đã phát sinh nhiều vấn đề mới và nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế. Trước hệ lụy kéo dài và nặng nề từ đại dịch COVID-19 để lại, cùng với môi trường kinh doanh tiếp tục biến động và nhiều rủi ro, các yếu tố đầu vào như tỷ giá, giá dầu vẫn ở mức cao dẫn đến trạng thái tài chính năm 2024 của VNA chưa được cải thiện.

Dự kiến đến cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu Công ty mẹ VNA và hợp nhất vẫn âm lần lượt là -8.237 tỷ đồng và -13.108 tỷ đồng. Vay ngắn hạn (bao gồm khoản vay từ nguồn tái cấp vốn) và nợ quá hạn của VNA ở mức cao, trong đó khoản vay tái cấp vốn có thời hạn hoàn trả từ tháng 7/2024 cùng nhiều khoản nợ từ giai đoạn trước sẽ đến hạn phải trả trong năm 2024. Dòng tiền trong năm 2024 của VNA tiếp tục thâm hụt. Các giải pháp tái cơ cấu tài sản và cơ cấu danh mục đầu tư không triển khai kịp nên VNA không thể trả nợ khoản vay tái cấp vốn đúng hạn.

Xuất phát từ thực tiễn tình hình của VNA hiện nay, VNA cần báo cáo Quốc hội cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn thêm 3 lần (tối đa đến 31/12/2027) để đảm bảo duy trì khả năng thanh toán trong ngắn hạn và triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu theo lộ trình.

Ngày 15/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP đồng ý báo cáo Quốc hội cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết 135.

* Phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ

Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, Ủy ban này cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết 135 như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho VNA.

“Tình thế đối với VNA hiện nay là cấp thiết và cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của VNA – là Hãng Hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng, Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, tránh trường hợp quá gấp, không đúng thời hạn quy định để báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh Chương trình Kỳ họp và cho ý kiến đối với nội dung này.

Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ngành Hàng không như giảm thuế đối với nhiên liệu bay, giảm 50% phí cất hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa..., do đó cần bổ sung đánh giá về kết quả của những giải pháp này đối với tháo gỡ khó khăn cho ngành Hàng không nói chung và VNA nói riêng, những vấn đề còn phải tiếp tục tháo gỡ của ngành hàng không (gồm cả những doanh nghiệp hàng không khác) để có giải pháp tổng thể, phù hợp.

Có ý kiến cho rằng việc quan tâm đến quyền lợi của người lao động theo điểm d khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135 chưa được phân tích cụ thể, chi tiết, toàn diện trong tờ trình cũng như phụ lục kèm theo. Chính phủ cần có đánh giá cụ thể việc thực hiện giải pháp này, đồng thời, rút ra bài học để có thể thực hiện tốt hơn việc bảo đảm việc làm, đời sống người lao động cũng như bảo đảm nhân sự cho hoạt động của VNA trong thời gian tới, khi được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn.

Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a khoản 11 Điều 1 Nghị quyết 135. Trong tình thế cấp thiết, cấp bách như Chính phủ báo cáo, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể tháo gỡ ngay khó khăn trước mắt cho VNA. Xét về quan hệ tín dụng, VNA vẫn phải bảo đảm điều kiện để được vay vốn tại tổ chức tín dụng và thực hiện nghĩa vụ trả nợ, do vậy, phương án này giúp cân đối dòng tiền cũng như hỗ trợ về thời gian để VNA cơ cấu lại hoạt động một cách toàn diện.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của VNA; bổ sung, đánh giá rõ hơn về khả năng, tính khả thi khi thực hiện một số biện pháp khác kết hợp với phương án gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn để bảo đảm tháo gỡ khó khăn, tăng cường năng lực tài chính, bảo đảm hoạt động liên tục của VNA. Chính phủ cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các giải pháp, phương án xử lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho VNA, bao gồm cả nguồn từ khoản vay tái cấp vốn nếu được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay này.